Tác giả Hoàng Đạo Thúy còn là nhà giáo dục, nhà biên thảo, nhà hoạt động văn hóa xã hội nổi tiếng ở Việt Nam… Ông đã viết nhiều tác phẩm về xã hội và đặc biệt là những cuốn sách về lịch sử Hà Nội. Càng cao quý hơn khi Hà Nội thanh lịch chính là cuốn sách cuối cùng ông viết về Hà Nội trước khi qua đời.
Hà Nội thanh lịch do nhà xuất bản Kim Đồng phát hành. Cuốn sách dày 265 trang, khổ 13 x 20,5 cm được tái bản nhiều lần.
Bên nhịp cầu Chương Dương chứng nhân lịch sử có cảm giác hoài cổ tiếc nuối về một Hà Nội xa xưa yêu dấu. Nội dung cuốn sách được chia thành 42 câu chuyện nhỏ. Mỗi câu chuyện như một nét phác họa, chấm phá gợi nhớ về một kinh đô Thăng Long Hà Nội thanh lịch hào hoa xưa kia. Ngay từ những trang đầu tiên tác giả Hoàng Đạo Thúy đã cung cấp cho chúng ta nhiều kiến thức về phố phường hàng xén con đường ghi dấu bao nhiêu thăng trầm lịch sử của mảnh đất Kinh kỳ Thăng Long Đông Đô Hà Nội cho đến thời kỳ 1945. Những trang tiếp theo của cuốn sách, dẫn dắt ta đi qua từng ngõ phố của một Hà Nội bình yên, thơ mộng. Trong mẩu chuyện Hà Nội phố, ta bắt gặp những ngôi nhà san sát, các chị em tấp nập khắp phố phường đông đúc, nhộn nhịp ở Thăng Long.
Không chỉ nhắc đến nét đẹp của các phố phường mà cuốn sách Hà Nội thanh lịch còn nhắc đến văn hóa, ca ngợi những nét đẹp trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người Hà Nội. Từ những gốc phố chứng kiến cảnh sinh sống của từng ng dân Thủ đô, biết bao nét thanh lịch của một thành phố phồn hoa được thể hiện thật tinh tế. Trong chuyện ăn uống, người Hà Nội thể hiện sự tinh tế, khéo léo, vừa thưởng thức vừa dinh dưỡng nhưng cũng thật là thanh đạm. Những món ăn ngon trên những gánh hàng rong trông vô cùng bắt mắt. Nào bún chả, riêu cua, bánh đúc gạo, bánh đục mơ, …Đó là dư vị món ngon của một thời xưa cũ. Và tự hào biết bao khi được sống trong cảnh thiếu thốn, nghèo nàn nhưng người Hà Nội vẫn giữ cho mình lối sống, nền nếp trên kính dưới nhường. Vẻ đẹp của người Tràng An rất cần cù, cứng rắn, thanh lịch vẫn yêu hoa, yêu văn. Người dân chốn kinh kỳ nói lời dễ nghe, dễ hòa hợp với người hàng xóm.
Qua những chuyện cụ Hoàng Đạo Thúy viết trong cuốn “Hà Nội thanh lịch”, người ta thấy hay, song đồng thời thấy tiếc khi cái nho nhã, hào hoa của người Hà Nội xưa giờ đã ít nhiều phôi pha. Người Hà Nội hôm nay nhìn vào đó có cớ mà chạnh lòng, khi những cái tốt đẹp đã thuộc về quá vãng, những tiếng thơm xưa kia gần như đã phôi pha trong cuộc sống hiện tại. Để khi đọc tác phẩm này, bất cứ ai từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đều không chỉ xót xa về những thứ tử tế, đẹp đẽ khi xưa, mà cảm thấy có trách nhiệm để gìn giữ cốt cách thanh lịch của người Hà Nội một thời.
Là một học sinh trường THCS Lê Lợi, em thiết nghĩ chúng ta cần phải tăng cường ý thức học hỏi để am hiểu được những nét đẹp cũng như giá trị bền vững của những nét đẹp trong văn hóa người Việt nói chung cũng như người Hà Nội nói riêng, đặc biệt là trong bối cảnh của xu thế toàn cầu trên mọi mặt lĩnh vực đời sống con người. Hiểu được giá trị nét đẹp văn hóa để thêm trân trọng, để gìn giữ và phát huy, làm cho những giá trị ngày càng đẹp hơn, sáng hơn trong mắt bè bạn quốc tế.
Hy vọng “Hà Nội thanh lịch” sẽ là cuốn sách thú vị mà thư viện trường THCS Lê Lợi dành tặng đến quý thầy cô và các bạn học sinh.
Hẹn gặp lại quý thầy cô và các bạn vào buổi giới thiệu sách lần sau.